HƯỚNG DẪN CHỮA CHÁY RỪNG

0
10

 

HƯỚNG DẪN CHỮA CHÁY RỪNG

  1. PHƯƠNG CHÂM CHỮA CHÁY RỪNG

Theo quy định, các cấp chính quyền địa phương và chủ rừng phải xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng để chủ động, kịp thời triển khai chữa cháy rừng được hiệu quả. Phương án phòng cháy chữa cháy rừng cần phải cụ thể hóa phương châm “bốn tại chỗ” đó là:

– Chỉ huy tại chỗ.

– Lực lượng tại chỗ.

– Phương tiện tại chỗ.

– Hậu cần tại chỗ.

1.1. Chỉ huy tại chỗ.

Chỉ huy chữa cháy rừng là quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kết hợp với quan sát diễn biến của đám cháy để quyết định truyền đạt mệnh lệnh, hướng lực lượng chữa cháy tập trung cao độ và thực hiện nghiêm túc các giải pháp kỹ thuật, tổ chức để đạt được hiệu quả chữa cháy, sớm dập tắt hoàn toàn đám cháy, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện chữa cháy.

Người chỉ huy có quyền ra mệnh lệnh điều động các lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy rừng và chịu trách nhiệm về mệnh lệnh chỉ huy của mình. Khi được điều động (Nhân lực và phương tiện do mình quản lý) để phục vụ chữa cháy rừng, tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải tuyệt đối chấp hành.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người được ủy quyền có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chung: Người chỉ huy chữa cháy rừng quy định tại Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy, khoản 23 Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

1.2. Về lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Lực lượng và phương tiện chữa cháy rừng là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Có thể được chia ra thành:

– Lực lượng thủ công gồm: Con người (Kiêm lâm, Công an, Quân đội, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, dân quân địa phương và các lực lượng huy động khác) cùng với dụng cụ thủ công như dao rựa, cành lá hoặc bàn dập, cuốc xẻng, rìu, câu liêm, thùng tưới nước, …thường áp dụng cho chữa cháy mặt đất, cháy ngầm với cường độ thấp, trung bình hoặc cao khi diện tích cháy dưới 1 ha.

– Lực lượng cơ giới gồm: Con ngưòi cùng với các thiết bị cơ giới xe cứu hỏa, xe chữa cháy rừng, máy (bơm) phun nước, máy thổi gió, cưa xăng, … và các phương tiện, hóa chất chữa cháy rừng.

– Lực lượng hỗn hợp là kết hợp cả 2 nhóm lực lương trên: Lực lượng cơ giới hoặc hỗn hợp (cơ giới kết hợp với thủ công) được áp dụng cho chữa cháy mặt đất mạnh và cháy tán (với các cường độ thấp, trung bình hoặc cao) khi diện tích cháy trên 1 ha.

Cháy rừng thường diễn ra ở những điều kiện phức tạp, xa trung tâm, do đó khi phát hiện cháy rừng phải mất một thời gian đáng kể mới có thể tiếp cận được đám cháy. Khoảng thời gian này dài hay ngắn còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tập hợp lực lượng, phương tiện  và cơ động đến điểm cháy.

1.3. Về hậu cần

Để đảm bảo công việc chữa cháy rừng được diễn ra liên tục và hiệu quả thì công tác hậu cần cũng được chú trọng và cũng phải thực hiện tốt phương châm “hậu cần tại chỗ” cụ thể là: Phải chuẩn bị sẵn một số dụng cụ thủ công và bảo hộ lạo động cần thiết (áo quần, giầy, mũ, bình nước cá nhân,…) để phục vụ cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và lực lượng được huy động thêm tai địa phương, đảm bảo cung cấp nước uống (5-6 lít/người/ngày) và thực phẩm (dự trữ ít nhất 2-3 ngày) cho lực lượng chữa cháy, cần có đèn phin đề phòng trường hợp phải chữa cháy rừng cả ban đêm và thuốc men như thuốc bỏng, bông băng cấp cứu, hồi sức, …

  1. KỸ THUẬT CHỮA CHÁY RỪNG

Khi chữa cháy rừng để quyết định áp dụng các phương pháp chữa cháy, người chỉ huy phải nhanh chóng đánh giá đám cháy, gồm các chi tiết: Xác định đầu đám cháy; ước lượng tốc độ lan tràn của đám cháy; loại vật liệu cháy sẽ tiếp tục; các điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến đám cháy như địa hình, nhiệt độ không khí, tốc độ gió, thời gian trong ngày…; xác định số người cần cho chữa cháy; nguồn nước có thể phục vụ chữa cháy; các đường băng ngăn cháy tự nhiên có thể lợi dụng được.

Chữa cháy rừng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện chữa cháy cần chuẩn bị tốt các trang bị bảo hộ, nước uống, thuốc cứu thương… Khi dập lửa ở sườn dốc trên 20°, không được đi lại ở phía trên đám cháy, để đề phòng đá lăn, trượt ngã… gây tai nạn. Những trường hợp bị thương phải được sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Các phương pháp chữa cháy rừng gồm:

2.1. Chữa cháy rừng bằng phương pháp trực tiếp

Là phương pháp bố trí đội hình chữa cháy trực tiếp đối đầu, bao vây ngọn lửa và dùng các dụng cụ như nhánh cây, thân cây chuối, vỉ dập lửa, bình phun nước, hoặc máy móc… để đập liên tục vào đám cháy từ nhiều phía hoặc sử dụng quốc, xẻng hất đất, cát vào đám chát nhằm mục đích là để tách rời đám cháy, làm phân tán sức nóng, giảm bớt khả năng sấy khô những vật liệu cháy lân cận, và tiêu diệt dần đến khi nó tắt hẳn. Chỉ được sử dụng khi và chỉ khi nào đám cháy có ngọn lửa thấp, cường độ cháy không mãnh liệt (Khuyến cáo không được sử dụng phương pháp này khi ngọn lửa cao trên 01 mét)

– Khi ngọn lửa lan chậm có xu hướng cháy về cả hai phía trái và phải, chiều cao ngọn lửa thấp, diện tích đám cháy còn nhỏ thì đội hình nên bố trí từng tổ từ 8 – 10 người dùng dụng cụ dập lửa đập thẳng vào đám cháy. Ngoài ra, cũng có thể làm một băng cản lửa ngay phía trước ngọn lửa, chiều rộng của băng là 3 m, trên băng bố trí từng tổ, người nọ cách người kia khoảng 3m dùng dao phát, cào, cuốc kéo vật liệu ra ngoài, làm liên tục hết đoạn này đến đoạn khác cho đến khi dập hết lửa mới ra về.

– Khi tốc độ gió mạnh đám cháy lan nhanh theo hướng gió thì đội hình nên bố trí ở 2 bên đám cháy, lực lượng chữa cháy tiến từ trước ngọn lửa bao vây ngọn lửa về cả 2 phía từ phía trước cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn. Một số lực lượng chữa cháy dùng các dụng cụ dập lửa  hai bên gần phía sau đám cháy, vì ở các vị trí này lửa lan tràn chậm hơn ở hai phía. Đa số lực lượng còn lại sẽ tập trung làm băng như ở trên, ở 2 bên ngọn lửa để ép ngọn lửa nhỏ dần và tắt hẳn.

2.2. Chữa cháy rừng bằng phương pháp song song:

Là phương pháp bố trí đội hình chữa cháy, đứng lùi về phía trước, song song với hướng của đám cháy đang lan tràn đến, một khoảng cách mà sức nóng của đám cháy không gây ảnh hưởng đến những người chữa cháy, để thực hiện biện pháp phát dọn băng trắng ngăn cản lửa ngay phía trước đầu hướng gió.

– Sử dụng trong điều kiện khi đám cháy có ngọn lửa cháy với cường độ vừa phải. Phương pháp này thuận lợi là cho phép người chữa cháy làm việc lùi lại một khoảng cách với sức nóng của đám cháy, ít mệt mỏi. Cần đặc biệt chú ý khi thực hiện phương pháp kỹ thuật chữa cháy song song là đám cháy đang liên tục di chuyển về hướng có người đang phát dọn băng cản lửa.

– Khi đã phát xong đường băng thì tiến hành đốt cho cháy phần cành nhánh, cỏ, cây bụi ở phía bên hướng có đám cháy đang lây lan đến. Đồng thời, ở hai bên đám cháy, bố trí đội hình chữa cháy nhằm khống chế không cho lan ra những vùng lân cận.

Bố trí đội hình chỉ huy chữa cháy song song: Dựa vào địa hình tự nhiên và nguồn thông tin của nhóm trinh sát báo cáo để xác định vị trí làm đường băng cản lửa rộng từ 01 mét đến lớn hơn hoặc bằng 10 mét cách xa đám cháy. Khoảng cách từ đám cháy đến đường băng tuỳ thuộc vào cường độ của đám cháy, điều kiện về thời tiết và do người chỉ huy quyết định (một khoảng cách tham khảo khi làm một đường băng trắng cản lửa lây lan sang những vùng lân cận là từ vài mét cho đến > 50 mét và vị trí làm băng trắng tại những nơi có độ dốc < 10°). Cần cẩn thận với việc lựa chọn vị trí đường ngăn chặn song song phía trước đám cháy và phải thường xuyên để ý đến đám cháy đang tiến đến.

Đội hình thực hiện phát dọn toàn diện các cây, cỏ và gom các vật liệu đẩy sang bên vùng đám cháy sẽ lan đến. Bố trí người chữa cháy thành hàng một, song song với đằng trước tuyến lửa, phát dọn liên tục, sao cho hoàn thành trước khi lửa lan đến. Mặt khác, cần di chuyển các máy móc phun nước, các dụng cụ chữa cháy đến đường băng để chữa khi lan qua. Ngoài ra, người chỉ huy phân công các nhóm chữa cháy khác thực hiện phương pháp này ngay hai bên sườn của đám cháy để không cho đám cháy lây lan về hai bên và khép dần để dập tắt hoàn toàn.

2.3. Chữa cháy rừng bằng phương pháp gián tiếp (hay phương pháp đốt chặn):

Là phương pháp dùng lửa đốt ngay từ phía trước đầu hướng của đám cháy lây lan đến để hai ngọn lửa tiến giáp lại với nhau tự tắt (do cháy hết vật liệu cháy). Sử dụng phương pháp này khi đám cháy có cường độ dữ dội, sức nóng lan tỏa trên phạm vi rộng, con người khó tiếp cận với đám cháy.

Bố trí đội hình chỉ huy chữa cháy gián tiếp: Trên cơ sở địa hình tự nhiên như kênh, mương, khe, suối… và nguồn thông tin của nhóm trinh sát báo cáo để xác định vị trí của con đường cách xa và song song với đám cháy, trên đó người ta cho phát dọn toàn bộ cây, cỏ đẩy về hướng của đám cháy trước khi lửa lan tràn đến. Sau khi chuẩn bị xong, tiến hành đốt trên toàn bộ tuyến băng để cho lửa cháy về phía đám cháy. Song song với công việc phát dọn băng phía trước thì người chỉ huy cũng ra lệnh bố trí đội hình thực hiện biện pháp này ngay hai bên sườn của đám cháy nhằm thu hẹp dần diện tích cháy một cách có kiểm soát. Khoảng cách từ đám cháy đến con đường chặn lại sẽ tùy thuộc vào cường độ của đám cháy, điều kiện về thời tiết và do người chỉ huy quyết định.

Lưu ý:

– Việc tuyến lập đường băng cản lửa phải lựa chọn cẩn thận: Lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên (sông suối, đường dông) hoặc các đường giao thông sẵn có hoặc nơi trảng cỏ hoặc các vật liệu cháy, có thể dùng cào cuốc để làm băng khống chế lửa. Băng càng thẳng càng tốt (ngắn nhất và dể giám sát), tránh băng qua nơi có vật liệu cháy nguy hiểm, nơi có nhiều đá, nơi dốc.

– Cần tính toán kỹ lưỡng khoảng cách từ đám cháy đến vị trí lập đường băng cản lửa dựa vào các yếu tố như tốc độ đám cháy, điều kiện lập địa, thời tiết … đảm bảo thời gian hoàn thành đường băng trước khi đám cháy lan đến đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia chữa cháy.

– Người chỉ huy phải thường xuyên quan sát diễn biến đám cháy các yếu tố liên quan đến cháy rừng đặc biệt là hướng gió, khi có sự thay đổi đột ngột hướng gió phải lập tức thông báo cho lực lượng tham gia chữa cháy để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động.

– Luôn giữ khoảng cách tối thiểu đến đám cháy là 50m khi tạo các đường băng cản lửa và dự phòng các phương án rút lui khi có sự thay đổi đột ngột về hướng gió, tốc độ, cường độ đám cháy.

III. AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG CHỮA CHÁY RỪNG

3.1. Các nguyên tắc an toàn

– Đối với người tham gia chữa cháy

+ Đủ sức khỏe khi tham gia chữa cháy (không rượu, bia, chất kich thích).

+ Mang mặc bảo hộ đảm bảo;

+ Được huấn luyện nghiệp vụ;

+ Chuẩn bị đủ nước uống, lương thực khi tham gia chữa cháy;

+ Tuân thủ mệnh lệnh chỉ huy, theo tổ chức;

+ Luôn có ý thức tự bảo vệ.

– Đối với người chỉ huy

+ Luôn quan tâm đến an toàn là hàng đầu;

+ Nắm rõ đặc điểm khu rừng, địa hình, …nơi xẩy ra cháy;

+ Phán đoán diễn biến của điều kiện thời tiết;

+ Quan sát, phán đoán các tình huống nguy hiểm;

+ Chuẩn bị trang thiết bị, công cụ dụng cụ phục vụ chữa cháy luôn đảm bảo sẵn sàng, hoạt động tốt trong mùa cháy, tập huấn sử dụng nghiêm túc, sử dụng đúng mục đích, đúng hướng dẫn, thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng, thay thế.

Chữa cháy rừng là công việc vô cùng khẩn trương, nguy hiểm, dễ làm cho con người mất tập trung và đương nhiên là dễ dẫn đến tai nạn. Vì vậy, trong chữa cháy rừng, đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản là điều vô cùng quan trọng.

Mười nguyên tắc này nhằm tránh bị thương và thiệt mạng khi chữa cháy rừng. Chúng được sắp xếp theo mức độ quan trọng như sau:

– Giữ liên lạc với bộ phận theo dõi điều kiện khí tượng liên quan đến cháy rừng và dự báo diễn biến cháy rừng.

– Luôn lắm được tình hình của vụ cháy – tự quan sát hoặc cử người trinh sát.

– Tất cả các hành động phải dựa trên tính cách đám cháy hiện tại và ước đoán diễn biến của nó.

– Luôn chọn sẵn và thông báo cho mọi người biết về các đường thoát và vùng an toàn.

– Ở những nơi có thể nguy hiểm, phải bố trí người quan sát tình hình.

– Sáng suốt, bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận và hành động dứt khoát.

– Luôn giữ liên lạc với đồng đội, với chỉ huy và các tổ kế cận.

– Ra mệnh lệnh rõ ràng và phải chắc chắn rằng những người nhận lệnh hiểu rõ.

– Luôn kiểm tra, theo dõi các đồng đội trong tổ.

– Chữa cháy tích cực nhưng phải giữ an toàn là trên hết.

3.2. Những mối nguy hiểm ở hiện trường chữa cháy rừng

Tiếp xúc với lửa hoặc các vật liệu đang cháy và tác động của sức nóng là những hiểm nguy đối với người chữa cháy rừng. Như đã biết, đám cháy truyền nhiệt vào môi trường chung quanh theo ba cách.

– Bức xạ nhiệt: Là chủ yếu và nguy hiểm nhất đối với người chữa cháy rừng. Cường độ bức xạ nhiệt giảm theo khoảng cách tính từ nguồn bức xạ. Vì vậy nếu cảm thấy nóng, bạn hãy lùi ra xa ngọn lửa để làm mát cơ thể mình.

– Đối lưu nhiệt: Khi luồng không khí nóng bốc lên và luồng không khí mát thay thế vào. Người chữa cháy rừng ảnh hưởng của đối lưu nhiệt khi làm việc nơi đầu dốc hoặc xuôi gió cùng với đám cháy.

– Truyền nhiệt: Ít nguy hiểm đối với người chữa cháy, trừ khi tiếp súc trực tiếp với vật liệu cháy. Không bao giờ dùng tay để kiểm tra vật liệu cháy hoặc các thiết bị đang dùng có nóng hay không.

Khói cũng lã một nhân tố rất nguy hiểm đối với người chữa cháy. Khói làm bỏng mắt, bẩn không khí và chứa nhiều CO2 (gây ngạt thở)

Tai nạn lao động ở hiện trường còn có thể xẩy ra do thao tác kỹ thuật và dụng cụ, thiết bị chữa cháy rừng.

3.2.1. Lửa bao vây.

Có thể bị lửa bao vây trong các trường hợp sau:

– Đang ở nơi có nhiều vật liệu cháy;

– Đang ở nơi có nhiều đám cháy nhỏ;

– Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là hướng gió và tốc độ gió;

– Đang ở trên dốc, phía trước đám cháy;

Hết sức chánh trường hợp bị lửa bao vây. Người chỉ huy luôn quan sát khu vực cháy chọn sẵn hướng lối thoát khi tình huống sấu xẩy ra.

Khi bị lửa bao vây mà không có đường thoát hiểm thì phải thực hiện các nguyên tắc sau:

– Bình tĩnh;

– Không được băng qua ngọn lửa cao hơn 1m và sâu hơn 1m;

– Đánh giá tình hình không có nhiều thời gian nhưng cần thiết phải tìm lối thoát;

– Dùng ngay dụng cụ thủ công phát ngay thực bì xung quanh khu vực đứng giảm bớt khả năng cháy;

– Lợi dụng tảng đá lớn, gỗ tươi để làm vật chắn sức nóng;

– Có thể nằm ở nơi đất trũng dùng đất, bùn phủ nên người tránh bức xạ nhiệt.

3.2.2. Những mối nguy hiểm khác

– Tại nơi xẩy ra cháy rừng lại có các công trình khác nằm trong khu vực xẩy ra cháy, người tham gia chữa cháy có thể lại bị ảnh hưởng các công trình này.

– Có thể trong vùng cháy rừng vẫn còn lại lượng bom đạn sau chiến tranh là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn khi chữa cháy.

– Đối với khu vực có tầng than bùn dầy người chữa cháy đề phòng xụt, vướng lầy trong các hố than đã và đang cháy.

3.3. Đề phòng tai nạn do dụng cụ thủ công.

Dụng cụ thủ công sắc bén để nâng cao hiệu quả công việc, các dụng cụ này thường được mang theo người cho nên chúng ta luôn đề phòng tai nạn xẩy ra cho mình và những người xung quanh.

Cuốc, xẻng, rìu, bàn dập…phải được tra cán chắc chắn, cán không dễ gẫy, các phần sắc bén phải được che chắn, bảo vệ cẩn thận. Khi mang vác dụng cụ sắc nhọn thì phải quay đầu nhọn xuống dưới và hướng ra ngoài người mình. Luôn giữ khoảng cách an toàn với người phía trước và người phía sau.

Đề phòng trượt ngã khi lên, xuống dốc, nếu sườn dốc trên 20o không được đi lại ở phía cao hơn ngọn lửa đang cháy. Khi vận chuyển các dụng cụ thủ công bằng ô tô thì chúng ta xắp xếp chắc chắn không để xẩy ra va đập lăn lộn trên thùng xe, không để những lưỡi, đầu nhọn vào ống nước, dây và các loại máy móc khác.

3.4. Đề phòng tai nạn khi làm việc gần các phương tiện cơ giới.

Các thiết bị cơ giới phổ biến là xe bồn, máy bơm, máy cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì,… Mọi thành viên đều phải trải qua các lớp tập huấn về sử dụng máy móc đúng quy trình, được nhắc nhở về an toàn kỹ thuật khi sử dụng và luôn được thông báo tại hiện trường chẳng hạn như khi dùng máy cưa chặt hạ hoặc có máy ủi húc đổ cây thì những người xung quanh biết hướng đổ, biết khoảng cách an toàn cần thiết.

3.5. Sơ cứu tại hiện trường

Chữa cháy rừng là công việc khó khăn, nguy hiểm nhưng đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo an toàn. Trong quá trình chữa cháy rừng tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào tại hiện trường chữa cháy rừng, ở những nơi mà những người có khả năng cấp cứu không đến kịp hoặc không thể có mặt. Để có thể bảo toàn tính mạng cho nạn nhân và có khi chính bản thân mình, hạn chế ảnh hưởng của vết thương. Bạn nên trang bị cho mình một kiến thức về sơ cứu thông thường để có thể khắc phục vết thương ngay tại chỗ, càng nhanh càng tốt.

– Túi y tế

Túy y tế cơ bản gồm có:

+ Bông y tế (5-10 bịch), gạc khử trùng (10-20 miếng)

+ Các loại băng: Băng vải, băng thun ( với các cỡ khác nhau, mỗi loại vài cuộn )

+ Thuốc chống sốt, thuốc giảm đau (Panadon, Cetamol, Aspirin,…)

+ Thuốc kháng sinh ( Ampicilline, Tetracyline,… )

+ Thuốc sát trùng, thuốc đỏ, thuốc tím, dung dịch Iốt, cồn 90o, nước muối 10%, ôxy già.

+ Thuốc chữa bỏng (tinh dầu quế, tinh dầu cá…)

+ Thuốc chữa rắn cắn (huyết thanh chống nọc rắn, rượu hội, viên hội…)

+ Chăn mềm

+ Kéo, nhíp, kim gút y tế, que thông ( thăm dò vết thương)

– Sơ cứu một số trường hợp thường gặp trong chữa cháy rừng:

+ Cầm máu vết thương: Bất kỳ vết đứt, thủng da to hay nhỏ đều là vết thương. Đối với vết thương nhỏ thì cơ thể tự điều tiết và cầm máu, đối với vết thương lớn mà cơ thể không tự cầm máu được thì bạn phải tìm cách băng bó vết thương không để máu chẩy làm mất máu quá nhiều có thể gây choáng nặng dẫn đến tử vong.

+ Bỏng: Rất dễ xẩy ra trong quá trình chữa cháy, ngưới tham gia chữa cháy không chú ý va chạm phải hoặc quá mệt mỏi trượt ngã vào đám cháy hoặc có thể bị lửa bao vây dẫn đến bỏng. Bạn có thể băng vết bỏng bằng các loại băng mềm co giãn. Băng lỏng vùng bỏng để đề phòng khi vết bỏng sưng nề gây chèn ép.

+ Ngạt: Xẩy ra khi người chữa cháy sử dụng dụng cụ thủ công tiếp cận gần đám cháy. Như chung ta đã biết đám cháy hút không khí xung quanh để duy trì quá trình cháy. Như vậy người chữa cháy có nguy cơ hết ô xy để thở dẫn đến ngạt thở. Khi gặp trường hợp này càn đưa nạn nhân ra khu vực thoáng mát tiến hành hô hấp thổi ngạt và ấn ngực cho nạn nhân thở trở lại.

Nguồn: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here